Cách phòng tránh đột quỵ qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm đang ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt ở cả những người trẻ tuổi. Vì vậy, cùng ProChiro nắm rõ cách phòng tránh bệnh đột quỵ là điều vô cùng quan trọng để giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. 

Đột quỵ là gì? 

Đột quỵ là căn bệnh xảy ra khi quá trình tuần hoàn máu lên não bị gián đoạn. Lúc này, máu không cung cấp đủ cho não khiến cho các tế bào não bị tổn thương và có thể dần chết đi.  

Đột quỵ hiện nay được chia làm 2 dạng chính, gồm: 

  • Nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ): Đây là trường hợp xảy ra khi các mạch máu não bị tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông đến não. 
  • Xuất huyết não (chảy máu não): Trường hợp đột quỵ xảy ra khi mạch máu bị vỡ và làm gián đoạn quá trình lưu thông máu. 

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ    

Các vấn đề chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt hay bất kỳ vấn đề bệnh lý nào liên quan tim mạch… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Cụ thể: 

Tăng huyết áp

Huyết áp cao là nguyên nhân phổ biến nhất của tai biến. Nếu huyết áp vượt quá mức bình thường trong thời gian dài, lực tác động của máu lên mạch máu sẽ tăng lên, và các “vết thương nhỏ” sẽ xuất hiện trong lòng mạch và các chất như lipid và tiểu cầu trong máu sẽ tích tụ lại thành mảng khiến cho diện tích bên trong mạch dần bị thu hẹp. Theo thời gian, các mạch máu có thể bị tắc nghẽn và hình thành cục máu đông, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. 

Cholesterol cao, mỡ máu cao

Hàm lượng cholesterol và mỡ trong máu cao sẽ dẫn đến tăng độ nhớt của máu và giảm lưu thông máu. Bên cạnh đó, các chất này còn có thể tạo thành kết tủa, lâu dần dẫn đến hình thành mảng bám trên thành mạch, gây tắc nghẽn mạch và khiến cho quá trình lưu thông máu bị gián đoạn nghiêm trọng. 

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ
Đột quỵ do hàm lượng mỡ và cholesterol trong máu cao

Bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu tăng cao làm tăng tốc độ xơ cứng động mạch. Ngoài ra, máu của bệnh nhân đái tháo đường thường có độ nhớt cao và thường kèm theo tăng huyết áp, những yếu tố này có lợi cho việc hình thành huyết khối và thúc đẩy sự xuất hiện của đột quỵ do thiếu máu cục bộ. 

Rung tâm nhĩ

Rung nhĩ là bệnh lý rối loạn nhịp tim vô cùng phổ biến nhất, hiểu đơn giản là nhịp tim của người bệnh không đều. Bệnh rung nhĩ có thể khiến máu đọng lại trong tâm nhĩ và có khả năng tạo ra cục máu đông. Sau khi cục máu đông vỡ ra, nó sẽ di chuyển theo dòng máu và nó có nguy cơ gây tắc nghẽn ở những mạch máu nhỏ hơn.   

Nguyên nhân bị đột quỵ do tuổi tác

Đột quỵ thường có nguy cơ cao xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi. Bởi theo tuổi tác, các mạch máu sẽ rất dễ bị lão hóa, trở nên xơ cứng và kém đàn hồi hơn, khả năng tuần hoàn cũng kém hơn. 

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ

Chế độ ăn uống không hợp lý 

Một chế độ ăn uống mất cân bằng ít rau xanh, trái cây, nhưng lại có quá nhiều chất béo dễ làm tăng lượng cholesterol và mỡ trong máu. Hoặc quá nhiều muối làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Và đương nhiên, tất cả những yếu tố này đều là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.  

Thói quen lạm dụng rượu bia, thuốc lá

Rượu bia, thuốc lá là một trong những yếu tố gây tổn thương mạch máu nghiêm trọng và gây huyết áp cao… Đặc biệt, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ bằng cách thúc đẩy sự tích tụ các chất béo trong động mạch cổ chính (động mạch cảnh) cung cấp máu cho não. Nicotine làm tăng huyết áp và carbon monoxide từ việc hút thuốc làm giảm lượng oxy cung cấp cho não. Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.  

Cảnh báo các triệu chứng đột quỵ cần hết sức chú ý 

Ở căn bệnh đột quỵ, các triệu chứng thường có xu hướng xảy đến đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Vì vậy, khi cơn đột quỵ xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy: 

  • Đau đầu dữ dội: Dấu hiệu đặc trưng nhất của đột quỵ là đột ngột đau đầu dữ dội. Cơn đau này khác hẳn với những cơn đau trước đây. Ngoài ra, một số người cũng có thể bị chóng mặt, mờ mắt hoặc thậm chí mù thoáng qua, ù tai đột ngột và giảm thính lực. 
  • Tê nửa người: Đột quỵ có thể khiến các cơ quan cảm giác của não, các sợi thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng, biểu hiện thường là tê hoặc cảm giác dị vật ở nửa người, bao gồm một bên mặt, môi, lưỡi và một bên tay chân. 
  • Vận động khó khăn: Rối loạn chức năng vận động thường là triệu chứng đột quỵ phổ biến nhất. Cụ thể như đột ngột yếu một bên chân tay, đi đứng không vững, cầm nắm đồ vật không vững, giảm khả năng phối hợp, thăng bằng, cử động không linh hoạt, có khi bị co cứng chân tay. 
  • Khó nói và khó nuốt: Các cử động như nói và nuốt cũng được điều khiển bởi các dây thần kinh vận động, nếu đột ngột bị nói ngọng, khó nói và khó nuốt thì cũng nên chú ý. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.  

Đột quỵ có nguy hiểm không? 

Đột quỵ là căn bệnh được các bác sĩ có mức độ nguy hiểm cao. Nếu không được hiện, cấp cứu và điều trị kịp thời cũng đều sẽ dẫn đến các di chứng nặng nề. Người bệnh có thể mất đi khả năng lao động, không thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và người thân. 

Đặc biệt, với những di chứng tổn thương não sau đột quỵ và các yếu tố nguy cơ bệnh nền sẵn có, nếu không sớm kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác như:  

  • Sưng và phù nề não, mất hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
  • Viêm phổi – biến chứng từ việc người bệnh gặp khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn, khiến thức ăn đi vào phổi, gây viêm phổi
  • Viêm loét, hoại tử do phải nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài vì không thể cử động. 
  • Trầm cảm: biến chứng rất phổ biến do tổn thương não và do người bệnh cảm thấy chán nản, buồn bã, lo âu do ảnh hưởng từ các di chứng đột quỵ.  
  • Tắc nghẽn mạch máu ở người bệnh bị liệt, không thể vận động dẫn đến sự hình thành của cục máu đông bên trong tĩnh mạch chân. 
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang do việc đặt ống foley giúp thu nước tiểu nhưng bên cạnh đó, chúng cũng thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Động kinh: Biến chứng đột quỵ do não bị tổn thương và hoạt động bất thường, gây ra tình trạng co giật. 
Biến chứng đột quỵ có thể khiến người bệnh mất khả năng vận động

Hướng dẫn cách phòng tránh đột quỵ qua chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày

Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể hoàn toàn được phòng ngừa nếu mọi người xây dựng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học hàng ngày. 

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ qua chế độ ăn uống 

Hầu hết các trường hợp đột quỵ đều có mỡ máu cao và huyết áp cao. Vì vậy bạn không nên ăn hoặc hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol như dầu động vật, thịt đỏ, nội tạng động vật… cùng những thực phẩm giàu muối như đồ ăn chế biến sẵn, độ hộp, đồ muối chua… 

Thay vào đó, hãy thường xuyên bổ sung hay thay thế bằng các loại thực phẩm hữu hiệu, chẳng hạn như rau xanh, trái cây, đậu nành, các loại hạt, tỏi, trà xanh, gừng, cá hồi,  nấm, nho, dầu oliu, yến mạch, kiều mạch… Tất cả đều được mệnh danh là “người nhặt rác” cho mạch máu, giúp cho máu được tuần hoàn thuận lợi. 

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ
Cách phòng tránh bệnh đột quỵ qua chế độ ăn uống

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ qua chế độ sinh hoạt hàng ngày 

Một chế độ sinh hoạt khoa học cần đáp ứng các yếu tố:  

  • Bỏ thuốc lá 

Bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ giúp cải thiện và tăng sức khỏe mạnh máu một cách đáng kể do giảm sự tác động của các chất độc hại như nicotin, khí carbon monoxide trong thuốc lá. Do vậy, để phòng bệnh đột quỵ nói riêng và bảo vệ sức khỏe nói chung, tuyệt đối không nên hút thuốc lá. 

  • Cách phòng tránh bệnh đột quỵ thông qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ  

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là điều vô cùng quan trọng giúp phát hiện và kiểm soát các yếu tố bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt với những căn bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, cholesterol cao, bệnh tim mạch (rối loạn nhịp tim, hẹp van tim, động mạch vành…).  

  • Hạn chế rượu 

Nồng độ cồn cao có thể làm tăng huyết áp và chất béo trung tính. Và hạn chế rượu bia ở mức một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới có thể giúp phòng chống đột quỵ một cách hiệu quả. 

  • Tập thể dục nhiều hơn – cách phòng tránh bệnh đột quỵ hiệu quả

Tập thể dục với các hình thức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe… giúp giảm cân và duy trì huyết áp bình thường, giảm thiểu tối đa nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất năm lần một tuần. Mỗi lần khoảng 30 phút. Còn nếu trong trường hợp bạn không thể tập thể dục trong 30 phút liên tục, hãy chia nhỏ bài tập thành nhiều buổi từ 10 đến 15 phút trong ngày.

 

Tập thể dục đều đặn là một trong những cách phòng tránh bệnh đột quỵ vô cùng hiệu quả

Xem thêm: Bài tập đơn giản với dây kháng lực – Dụng cụ tuy nhỏ nhưng có võ

  • Làm việc và nghỉ ngơi điều độ

Làm việc quá sức thường có thể gây ra đột quỵ. Vì vậy cần kết hợp làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ. Tham gia một số hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp để giữ được trạng thái sức khỏe tốt nhất. Hãy tránh làm việc quá tải trong thời gian dài và ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và sử dụng trí não quá mức.

Trên đây là những chia sẻ về cách phòng tránh bệnh đột quỵ. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc nào hoặc có nhu cầu thăm khám, điều trị, bạn có thể liên hệ qua số điện thoại hotline 0243 8353838/ 0919981515 để được hỗ trợ nhanh nhất.